Chúng ta rất dễ tin rằng tình yêu có được, nhưng lại không dễ tin rằng nó có thể mất đi. Hết yêu chỉ là một lời nói dối với những kẻ còn yêu. "Tình yêu không thể mất đi, càng không thể chuyển từ người này sang người khác": Chấp nhận sự thật không thể chấp nhận đó là con đường dài mà người ta cần chấp nhận.
Sau này, ta mới biết "mãi mãi" thực ra rất ngắn. Thứ còn mãi thường không phải là người kia, mà là những câu chuyện về họ. Chỉ có những gì đã chết mới có thể bất tử. Họ có thể không còn đó, nhưng suy nghĩ về họ thì vẫn còn.
Ta mất đi khi ta thay đổi và ta thay đổi khi ta mất đi. Trì hoãn sự mất mát chỉ khiến ta càng mắc kẹt lâu hơn với nó. Cô đơn là khi bạn sẽ vẫn phải cố gắng, mà không còn ai để cố gắng.
Cái gì để trong lòng quá lâu đều rất dễ biến dạng. Nếu quá kiên trì thích ai đó, bạn càng nên nói ra để họ còn biết đường từ chối. Tình cảm để lâu dễ hóa thành cố chấp: Không hẳn vì yêu mà ở lại, mà không muốn thất bại nên mới thế.
Ta mang theo mình những vết thương ái kỉ (narcissistic wound) vì đơn giản "thế giới không vì em mà buồn đi chút nào đâu". Không phải cứ yêu là được yêu, ai đó sẽ làm bạn thất vọng, bạn cũng không quá đặc biệt đâu...: Đó là những nỗi buồn rất khó tiêu hóa với kẻ quá yêu bản thân mình (a.k.a: tất cả chúng ta).
Có những ước muốn dù rất chính đáng, nhưng chỉ dừng lại ở đó. Việc của bạn lúc này không phải là tiếp tục theo đuổi giấc mơ, mà là có thể mở mắt nhìn giấc mơ kia nay đã tan rồi (tâm lý học gọi là đoạn tang với những ước mơ).
Mọi nền văn hóa đều có nghi lễ để mai táng tình thân, nhưng không ai dạy cách mai táng tình yêu. Suy cho cùng, mọi tổn thương đều là tổn thương về mặt tình cảm. Khóc cũng là kĩ năng cần được dạy để ta có thể khóc về những nỗi đau không thể nói thành lời.
Comentários