top of page

#18: Gửi Daylacaicay - Làm sao để biết hỏi và nhận ra chính mình?


Chào bạn,

Mình hông phải là cái cây thiệt sự đâu. Mình thích các câu hỏi, vì thường chúng sẽ đưa ta tới những bất ngờ tuyệt vời, đôi khi thay đổi cả cuộc đời ta nữa. Nhưng làm sao ta tạo ra những câu hỏi tốt?


À gần đây tớ cũng hay nghĩ về chuyện yêu bản thân. Theo ý kiến cá nhân, chấp nhận bản thân ta là bước đầu tiên để yêu chính mình. Vậy làm sao ta chấp nhận bản thân khi ta không nhận ra chính mình?


Ôi cảm ơn thời gian bạn đã dành đọc vài thắc mắc của tớ. Thiệt ra tớ nghĩ cứ giữ câu hỏi trong lòng, lúc nào đó ta sẽ nhận được đáp án thôi. Nhưng nếu được nói ra, san sẻ và thảo luận với ai đó ngoài kia cũng vui biết bao nhiêu. Vì dù chúng ta khác nhau tới bao nhiêu, rút cục ta cũng giống nhau nhỉ?


Ngủ ngon nhé.


----------------------

Chào bạn Cây,


Vì mật danh đầy sự vẫy gọi của cậu “đây là cái cây, tớ ở đây, tớ ở đây” nên Tiệm sẽ gọi cậu luôn là bạn Cây nhé (dĩ nhiên Cây không phải là cái cây rồi).


Đọc lời thư của Cây, tớ nghĩ cậu là người thích ngồi dưới gốc cây, và theo đuổi những suy tư về cuộc đời bằng những câu hỏi: Vì sao? Vì sao lại thế? Vì sao và vì sao? Chà, ngầu đấy chứ. Nếu như Newton ngồi dưới gốc cây táo mà phát minh ra ba định luật cơ học thì Đức Phật cũng ngồi dưới gốc cây mà được giác ngộ, lý giải được “vì sao đời là bể khổ?” và “làm thế nào để thoát khổ?”. (Cậu có biết vì sao lại gọi cây đó là cây Bồ đề không? Gốc cây ấy được đặt tên là cây Tỉnh thức, tỉnh giác, giác ngộ; trong tiếng Phạn là Bodhi, tiếng Trung pinyin gọi là Puti, nên tiếng Việt là gọi là cây Bồ Đề.). Tớ cũng đồng ý với cậu là biết hỏi câu hỏi đúng sẽ giúp ích cho mình rất nhiều; nhất là những câu hỏi đúng thời điểm, có khi còn đưa mình du hành vào những điều mình chưa từng biết, chưa từng nhận ra, hay thậm chí là chưa từng nghĩ tới – về người khác hay về chính mình.


Đặt được một câu hỏi đúng, trúng trọng tâm thì mình đã giải quyết được 50% vấn đề rồi. Nhưng làm sao để đặt được một câu hỏi đúng, lại còn hay ho nữa đây? Câu hỏi cũng quan trọng không kém gì câu trả lời. Nếu bạn hỏi sai thì bạn sẽ nhận được một câu trả lời sai.


Tớ nghĩ là, mình hãy dành nhiều thời gian hơn để nghĩ về những câu hỏi đúng nên hỏi. Thế nhưng không có nghĩa là mình phải tìm cho bằng được câu hỏi thật ngầu, thật hay thì mới đặt câu hỏi. Chúng ta có thể học từ Jame E. Ryan, hiệu trưởng trường giáo dục sau đại học thuộc Đại học Harvard; đặt ra 5 câu hỏi vô cùng đơn giản nhưng lại hữu ích trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đây là 5 câu hỏi mà ông trình bày trong bài phát biểu về lễ tốt nghiệp của trường vào mùa xuân năm 2016 (và cũng là cảm hứng để ông viết nên cuốn sách “biết hỏi mới là giỏi”):


1. Wait, What? (Hả? Gì cơ?): là gốc rễ của mọi sự hiểu biết.

Khi chúng ta dùng câu hỏi này, chúng ta cho phép mình dừng lại để làm sáng rõ hoặc yêu cầu người khác làm rõ ý hơn điều mình chưa thực sự hiểu. Từ đó, mình có thể tránh những kết luận, nhận định vội vàng và những suy diễn sai lầm.


2. I Wonder? (Không biết là… ?): là trọng tâm của mọi sự tò mò.

- I wonder why? (Không hiểu sao…?) giúp ta duy trì sự tò mò về thế giới xung quanh.

Hãy quan sát một đứa trẻ để xem cách chúng khám phá thế giới xung quanh. Bất cứ thứ gì cũng khiến chúng ngạc nhiên, tò mò và truy tìm sự hiểu biết, đón nhận mọi thứ bằng sự hồn nhiên của. Hãy hồn nhiên hỏi như một đứa trẻ!


- I wonder if? (Không biết liệu… ?) giúp ta duy trì sự tương tác với thế giới, thúc đẩy ta thử nghiệm những điều mới mẻ

Hãy tự hỏi bản thân mình “Không biết liệu mình có thể phù hợp để làm thứ này thứ kia không…?”. Và rồi “không biết liệu khi mình chấp nhận một số điểm mạnh/điểm yếu là một phần trong con người mình thì sẽ như thế nào nhỉ?”


3. Couldn't we at least? (Chúng ta có thể ít nhất… ?) là khởi đầu của mọi sự tiến bộ; là cách hay để ta tìm được sự điểm chung trong một cuộc thảo luận; cũng là cách hay để ta có thể bắt đầu làm một điều gì đó, cho dù mình chưa có một bản kế hoạch hoàn chỉnh.


4. How can I help? (Tôi có thể giúp gì?) là nền tảng của mọi mối quan hệ tốt đẹp.


5. What truly matters [to me]? (Điều gì mới thực sự quan trọng [với tôi]?) giúp ta đi tới trọng tâm của cuộc đời.


“Nếu bạn luôn sống một cuộc đời tràn đầy tò mò và hiểu biết, nếu bạn luôn sẵn sàng thử những điều mới mẻ cũng như giúp đỡ và học hỏi từ người khác, và nếu bạn tập trung vào những điều quan trọng với bạn, tôi tin rằng khi đến lúc bạn phải tự hỏi câu hỏi thưởng, bạn sẽ ở vào một vị thế tốt để trả lời rằng “Vâng, tôi có”.”


“And did you get what, you wanted from this life, even so?”

( và cũng là câu đầu trong bài thơ “Late Fragment” – Raymond Carver)

(Và bạn có đạt được điều mà mình muốn trong cuộc đời này, ngay cả khi như vậy không?)


Hãy bắt đầu từ những thứ thiết thực, gần gũi, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân mình. Và Cây có vẻ đi đúng hướng khi đặt một câu hỏi rất hay:


Làm sao để biết chấp nhận bản thân mình khi mình không nhận ra chính mình đây?


Vị triết gia Hy Lạp nổi tiếng nhất thành Athen cổ đại – Socrate là một bậc thầy về những câu hỏi có một câu nói rất sâu sắc thế này:

“ Hãy tự biết mình”


Cách đơn giản nhất là Cây thử nói chuyện với bạn bè, những người xung quanh rồi hỏi họ xem họ nghĩ cậu là người như thế nào. Đôi khi, người ở ngoài sẽ nhìn cậu công tâm hơn chính bản thân mình. Và nếu họ có nói ra nhược điểm của cậu, thì hãy xem lại có đúng thế không. Nếu đúng thì vui vẻ chấp nhận và sửa lại thôi. Còn nếu họ có điều gì hiểu lầm cậu, cậu có thể vận dụng 5 câu hỏi trên để tạo ra một cuộc đối thoại thú vị với họ. Bằng cách hỏi, lắng nghe một cách cẩn thận, tôn trọng và cởi mở, tớ nghĩ rằng Cây sẽ hiểu được thêm về bản thân mình, cũng như với những người xung quanh mình.


Còn nếu như, Cây muốn tự mình khám phá xem bản thân mình như thế nào thì con đường có thể dài hơi hơn đấy. Bởi chúng ta dù không nhận ra chính mình nhưng cũng tự biết mình (dù rất mù mờ) có những giới hạn, những hạn chế của bản thân mình. Chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều để “công phá” những mù mờ của bản thân. Vì vậy, Cây cần phải bình tĩnh để lắng nghe, quan sát, đọc thật nhiều và suy tư sâu về những giới hạn của bản thân đã.


Cây có thể viết để biểu đạt những suy nghĩ trong lòng mình, những thứ mình đã học hỏi và quan sát được. Khi những con chữ được từ trong đầu được thoát ra trên trang giấy (hoặc trên trang Word) thì mớ bòng bong sẽ được nhìn rõ hơn. Sau đó, tập hỏi, đưa ra các câu hỏi đúng để giải đáp phần còn thắc mắc. Chỉ cần chăm chỉ thì mình tin rằng, một lúc nào đó Cây sẽ tìm được bản thân mình là ai thôi. Cứ đi sẽ đến, cứ tìm sẽ gặp….


Nhưng cây cũng không cần phải đợi đến khi biết mình là ai thì mới yêu bản thân mình được. Bởi, câu hỏi “Tôi là ai?” là câu hỏi lớn của cuộc đời, không phải ngày một ngày hai là tìm thấy ngay. Ngay bây giờ, Cây có thể yêu bản thân mình bằng việc làm những gì mà mình thích, chăm sóc bản thân mình tốt bằng việc luyện tập sức khỏe, ăn uống bổ dưỡng, lành mạnh… Nói chung là bất cứ thứ gì mà Cây thấy vui và khỏe mạnh. Có khỏe (cả về thể chất và tinh thần) mới cân được thế giới Cây ạ.


Cám ơn Cây đã mang đến một bầu không khí vui tươi khi chia sẻ suy nghĩ của mình đến Tiệm. Chúc cậu luôn vui vẻ và duy trì được sự hồn nhiên như thế này.

Tiệm.


Bạn còn điều muốn sẻ chia, tâm sự; hãy gửi thư về cho Tiệm.

194 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page