top of page

Giải mã tâm hồn bạn qua những cuốn sách tuổi thơ: Tại sao chúng ta lại mê Harry Potter?


Làm thế nào để có một cuốn sách lọt vào danh sách sách bán chạy của The New York Times? Đối với những người không ở trong ngành xuất bản, câu hỏi dường như quá hiển nhiên. Bạn lọt vào danh sách sách bán chạy nhất bằng cách nằm trong 10 quyển được nhiều người mua nhất trong thể loại của mình. Còn phải hỏi.


Với một số điều kiện nhất định, thì đây là câu trả lời đúng. (Một trong những điều kiện đó là bạn không thể ở trong top mãi mãi như Kinh Thánh: Kinh Thánh luôn đứng số 1 trong danh sách mỗi tuần.) Nhưng trả lời thế không khác gì khi hỏi: "Làm sao để được vào phòng nhạc danh giá Carnegie Hall biểu diễn?" thì bạn lại nói: "Bắt tàu điện Q đến đường 57." Đúng vậy, tất nhiên rồi. Nhưng tôi muốn biết làm thế nào mà bạn được họ mời lên sân khấu kia.


Vậy làm sao một cuốn sách có thể đạt được doanh số đủ lớn để lọt vào bảng xếp hạng? Đúng là có rất nhiều chiêu trò mà các nhà xuất bản và tác giả sử dụng để đẩy sales vào đúng thời điểm, hoặc đúng cách, để lên ngôi. Có rất, rất nhiều cuốn lọt vào danh sách chỉ đúng 1 hoặc 2 tuần rồi lại chìm, và không bao giờ có thể nổi trở lại. Đây chắc hẳn là những cuốn sách hưởng lợi từ một trong những thủ thủ thuật đó.


Nhưng có những cuốn sách có thể trèo lên đầu bảng xếp hạng và dường như cứ đứng đó. Bằng cách nào? Chẳng phải là nhờ mưu mẹo của nhà xuất bản. Cũng chẳng phải do bất cứ chiến dịch quảng cáo thông minh hay nhiều tiền nào có thể tạo ra được thành công tới mức đó. Những cuốn sách nằm trong danh sách bestseller nhiều tháng liền bởi vì người ta thực sự thích chúng.


Chúng được lợi rất lớn từ hiệu ứng truyền miệng. Albert Einstein từng nói rằng lãi kép là nguồn lực mạnh mẽ nhất trong Vũ trụ. Một nhà xuất bản hẳn sẽ phản đối. Truyền miệng mới là vũ khí mạnh mẽ nhất Vũ trụ này, bởi vì nó có thể tăng trưởng theo cấp số mũ: 1 người kể cho 3 người cuốn sách này hay như thế nào, và mỗi người lại nói tiếp cho 3 người khác, rồi lại nói cho 3 người khác nữa, và chỉ mấy chốc cuốn sách đã ngồi chễm chệ trên danh sách bestseller. Đó là cách bạn thực sự lọt vào top sách bán chạy.


Nhưng làm thế nào để viết một cuốn sách như thế? Chẳng ai biết cả.


À, có lẽ những nhà văn viết loại truyện trinh thám câu khách chuyên để đọc ở sân bay thì biết; họ dường như sản xuất hết cuốn sách đình đám này đến cuốn khác. Nhưng sách họ viết cũng như trò chơi điện tử Candy Crush Saga, mang lại cho người đọc cảm giác sung sướng mỗi khi vuốt ngón tay (hay giở trang sách, nếu bạn vẫn còn đọc sách giấy). Cũng giống như vài người hiếm hoi nói họ yêu Candy Crush, rất ít người bảo rằng họ thực sự yêu những cuốn sách kiểu đó. Làm đi làm lại một thứ không nhất thiết nghĩa là bạn yêu nó.


Với những ai cố gắng viết những cuốn tiểu thuyết độc đáo, mang tính văn chương, mà vẫn muốn sách bán chạy - những cuốn sách được mọi người nói đến vì họ thực sự yêu thích chúng - công thức để nấu món bestseller này vẫn là một bí ẩn lớn.


Bạn có biết còn gì là bí ẩn nữa không? Con gái tôi. Khi chào đời, nó là một ẩn số. Một sinh vật mềm mại mỏng manh mà không ai hiểu được. Tuy nhiên, đến 4 tháng tuổi, cô bé bắt đầu giao tiếp rất hiệu quả. Khi đói, bé sẽ thét lên như một con chim lợn báo sự chết chóc. Khi mệt, bé cũng thét. Khi chán hay cảm thấy trong người khó chịu, bé cũng thét. Bé không khóc. Bé thét, và tiếng thét ngày to hơn, cao hơn và đột ngột hơn bất cứ âm thanh nào mà tôi từng nghe loài người tạo ra. Tiếng thét khiến người nghe phải đau tai và đau tim, vì vậy nó là một phương tiện truyền thông vô cùng hiệu quả.


Cô bé chỉ hét để thông báo bốn điều - con mệt, con đói, con khó chịu, con chán. Vì vậy, tôi phải tự suy đoán xem đời sống nội tâm của bé như nào. Khi tôi bế bé giơ lên trước gương, bé nghĩ gì? Khi nhìn lên bầu trời, bé sẽ xử lý tất cả những thông tin trước mắt mình ra sao? Và khi bé hét cực kì to, bé có phải đang bực mình hơn không? Hay bé chỉ đang thử nghiệm các cách giao tiếp khác nhau?


Tôi không nghĩ mình sẽ có lúc nào tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi này. Nhưng may thay, tâm lý của bé sẽ trở nên ngày càng rõ ràng hơn cùng với thời gian, bởi vì mỗi tháng bé sẽ trở nên ngày càng quan tâm hơn tới các cuốn sách. Gu sách của ta, từ thuở nhỏ đến cuối đời, chính là cửa sổ dẫn đến tâm hồn ẩn giấu. Và lũ trẻ, lứa tuổi (mà vì mục đích sinh tồn) sẽ cảm nhận rõ những ham muốn và động lực của mình nhất, có thể tiết lộ về đời sống tinh thần của mình nhiều nhất khi kể tên cuốn sách muốn đọc.


Sigmund Freud nói rất nhiều thứ điên rồ, nhưng một trong những khám phá hấp dẫn của ông đó là coi tâm trí giống như thành phố Rome. Mỗi độ tuổi đều có kiểu trúc riêng, tượng đài riêng, được xây dựng trên nền móng của những thế hệ trước. Thay vì đập bỏ cái cũ và thay thế chúng, tâm trí bảo tồn tất cả cảnh quan. Một số, như đấu trường Colosseum, thì phô trương hơn, trong khi những cái khác lại ẩn giấu trong bóng tối như Đồi Palatine. Thậm chí còn được gìn giữ tốt hơn Rome, mỗi người trưởng thành đều bảo quản cảnh sắc tuổi thơ của mình nguyên vẹn. Nếu bạn muốn biết về tuổi thơ của ai đó, nền móng mà từ đó người ta xây dựng cuộc đời, hãy hỏi cuốn sách ưa thích nhất của bạn khi còn nhỏ là gì?


Khi còn là một cậu bé, tôi rất thích truyện Hạt cà rốt (The Carrot Seed, 1945), được viết bởi Ruth Krauss và minh họa bởi Crockett Johnson. Nội dung của nó đơn giản tới mức tôi có thể trích cả cuốn sách tại đây:


Một cậu bé ươm một hạt cà rốt.


Mẹ cậu nói: "Mẹ e là nó sẽ không lớn đâu."


Ba cậu nói: "Ba e là nó sẽ không lớn đâu."


Và anh trai cậu nói: "Nó sẽ không lớn đâu."


Mỗi ngày cậu bé lai nhổ cỏ xung quanh chiếc hạt và tới nước xuống đất.


Nhưng không có gì mọc lên.


Và không có gì mọc lên.


Ai cũng luôn miệng nói nó sẽ không lớn đâu.


Nhưng cậu vẫn nhổ cỏ quanh chiếc hạt mỗi ngày.


Và tưới nước xuống đất cho nó.


Và rồi một ngày


Củ cà rốt xuất hiện.


Giống như cậu bé biết trước rằng nó sẽ xuất hiện.


Tôi bị ám ảnh với cuốn truyện này từ khi còn nhỏ. Tôi đòi mọi người đọc đi đọc lại cho nghe nhiều hơn bất kì cuốn sách nào. Không khó để tìm ra lý do tại sao. Lời văn rất đơn giản và tinh tế. Ví dụ, câu nói cộc lốc của người anh 'Nó sẽ không lớn đâu' nghe thật đau lòng. Bởi vì tôi không có em đến khi 5 tuổi, tôi nhớ mình gán lời nói đó cho cha. Trong tâm khảm tôi, ông đã nói hai lời tổn thương, lần sau cứa mạnh hơn lần đầu.


Minh họa của cuốn truyện cũng vô cùng xuất sắc. Khi củ cà rốt cuối cùng cũng mọc lên, phần cuống lá màu xanh của nó còn lớn cả cậu bé, và cậu phải đặt nó lên xe đẩy bởi vì nó còn to hơn cả cậu, và (nếu định luật vật lý được áp dụng trong cuốn truyện tranh này) nó phải nặng ít nhất là 22 kg. Không chỉ gia đình cậu đã sai khi nghi ngờ, chiến thắng của cậu cũng cực kì vĩ đại.


Tôi sẽ bỏ qua lời diễn giải của Freud cho rằng củ cà rốt là biểu tượng của dương vật, mặc dù về hình dáng, màu sắc và nơi mọc lên, thật dễ để liên tưởng đến nó - đặc biệt là cuốn sách ra đời trong văn hóa xuất bản của thành phố New York cùng năm với bộ phim Spellbound mang đậm chất Freud của Alfred Hitchcock.


Dù vậy, còn thú vị hơn cả củ cà rốt hình dương vật là chi tiết gia đình không tái xuất hiện để chứng kiến sự thành công của cậu bé. Không như các phim Mỹ phổ biến, khi tất cả những kẻ hoài nghi phải nhìn thấy thành công của người anh hùng, và dù thế nào cũng sẽ đứng vỗ tay (thử xem tất cả những bộ phim kết thúc với một sự kiện thể thao hoặc một buổi prom xem), nhân vật chính trong truyện Hạt cà rốt không cần gia đình mình nói cho cậu biết rằng củ cà rốt đã mọc. Tự cậu biết là như thế. Nó rất to, hơi ngả tím, và còn to hơn nhiều củ cà rốt...của cha cậu. Nếu bạn hiểu ý tôi nói là gì.


Vậy điều gì có thể suy ra về tôi từ việc tôi đã yêu cuốn sách này tới mức luôn giữ một bản sao bên mình trong những năm đại học, công việc đầu tiên, lần chuyển việc thứ nhất (sang nghề viết), và giờ khi đã làm phụ huynh?


Bố của tôi, cho dù lại 1 người đàn ông sáng suốt và tốt bụng, dường như không thể không cạnh tranh với tôi, đứa con cả. Mẹ tôi nói rằng chuyện này bắt đầu ngay từ khi tôi sinh ra, giây phút mà quyền lực trong nhà của ông bị đe dọa. Tôi tất nhiên rất yêu cha mình, và ông cũng vậy. Chúng tôi chơi cùng nhau. Ông cổ vũ tôi trong các môn thể thao - một trong những điểm không mạnh của ông. Nhưng bất cứ kiến thức nào tôi học được và chia sẻ phải hoặc là bị ông chỉ ra là sai hoặc là sẽ bị lái sang chủ đề khác. Em trai tôi, từ khi ra đời, luôn nhận được câu trả lời 'Đúng, về mặt nào đó'. Còn với tôi, mọi thứ lúc nào cũng có vẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí kể cả khi tôi nhắc lại từng chữ mà ông đã dạy tôi.


Khi em tôi đủ lớn, 3 "chàng trai" trong gia đình sẽ chơi trò Monopoly. (Mẹ tôi không muốn chơi bởi vì bà cứ muốn cho em tôi nhiều tiền hơn, một điều mà tôi và cha không thể chấp nhận). Chiến lược dài hạn khả dĩ duy nhất trong Monopoly là thu mua mọi loại tài sản chiếm được, để ngăn không cho đối thủ trở thành ông trùm độc quyền. Và sau khi mọi của cải đã được phân chia, nếu không ai ở thế độc quyền, trò trơi sẽ hoặc kéo dài bất tận, hoặc những người chơi sẽ phải đồng ý thỏa thuận giao dịch.


Nhưng ba chàng trai đều sợ thua tới mức chúng tôi sẽ đàm phán thương mại tới 30, 40 phút, và thậm chí cả giờ. Thường, những cuộc thương thảo sẽ kết thúc bằng những dòng nước mắt của em tôi hoặc tôi. Chỉ chốc lát, tình trạng bế tắc sẽ đè nén tới mức chúng tôi đều đồng ý ngừng chơi. Nhiều năm sau, khi tôi 15 và cha tôi 56, tôi ngồi cùng xe ông. Tôi nói với cha: 'Có lẽ chúng ta nên cùng chơi Monopoly lại với nhau.' Ông đáp: 'Để làm gì con? Chẳng ai giành được chiến thắng cả.' Tôi đáp: 'Mục đích là ở bên nhau.' Ông nhìn qua tấm kính chắn gió một lúc. Tôi chờ đời câu trả lời của ông. Cuối cùng, ông nói: 'Con biết đấy, ta chưa từng nghĩ như thế bao giờ.'


Một người bạn thân của tôi có cuốn sách yêu thích thuở nhỏ là Chú thỏ bỏ trốn (The Runaway Bunny, 1942), viết bởi Margaret Wise Brown, minh họa bởi Clement Hurd. Trang sách đầu tiên viết:


Ngày xửa ngày xưa, có 1 chú thỏ con muốn bỏ nhà đi trốn. Cậu nói với mẹ của mình: "Con bỏ trốn đây."


"Nếu con bỏ trốn," mẹ cậu nói, "Mẹ sẽ đuổi theo con. Bởi con là chú thỏ con của mẹ.'


Ở mỗi trang tiếp theo, chú thỏ nhỏ mơ về những cách khác nhau chú có thể dùng để thay hình đổi dạng và trốn khỏi mẹ mình. Nhưng như một trò chơi kéo-búa-bao, với mỗi chiêu thức biến hình mà thỏ con đưa ra, thỏ mẹ có một cách đối phó. “Nếu mẹ đuổi theo con… con sẽ biến thành một chú cá dưới khe và bơi xa khỏi mẹ.” “Nếu con biến thành một chú cá dưới khe,” thỏ mẹ nói, “mẹ sẽ biến thành một người câu cá và câu được con.”


Trò chơi cứ tiếp diễn như vậy, cho đến khi cuối cùng chú thỏ quyết định biến thành một chú bé và chạy vào trong nhà. “Nếu con biến thành một chú bé và chạy vào trong nhà… mẹ sẽ biến thành mẹ con và bắt được con rồi ôm choàng lấy.” Đến đây thì chú thỏ trả lời: “Ôi… Thế thì con ở lại đây để làm chú thỏ con của mẹ vậy.”


Tôi chưa bao giờ nghĩ về ý nghĩa của Chú thỏ bỏ trốn cho tới khi biết được đó là cuốn sách mà khi còn nhỏ bạn tôi thích nhất, thích đến mức không có cuốn nào bằng, thích đến mức đòi đọc khi đi ngủ mỗi tối. Và lúc đó tôi đã bật cười. Vì chẳng có cuốn sách nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bất cứ chuyện gì liên quan tới mẹ cậu, cậu đều nổi loạn. Một lần nọ, khi cậu bị đuổi về phòng chịu phạt, cậu dừng ở đầu cầu thang và gào lên với mẹ: “Con có dương vật còn mẹ thì không!” Khi còn là một thiếu niên, rất lâu trước khi cậu đủ tuổi lái xe, cậu đã “mượn” xe của bố mẹ giữa đêm và lái từ ngoại ô vào thành phố New York.


Gần đây, vào dịp Ngày Của Mẹ, cậu tặng mẹ một chiếc thiệp có viết: “Con không cần phải tặng mẹ quà gì vì con biết mẹ sẽ luôn luôn yêu con.” Mẹ cậu oà ra khóc vì cảm kích. Dù bạn nghĩ gì về một tấm thiệp như thế cho Ngày Của Mẹ (nếu tôi mà là mẹ cậu ta thì tôi đã rất muốn cho cậu một cái tát), quan hệ mẹ con trong Chú thỏ chạy trốn miêu tả khá chính xác quan hệ giữa bạn tôi và mẹ cậu.


Cuốn sách là một tấm bản đồ, tất nhiên không hoàn chỉnh, của mối quan hệ với mẹ của cậu ấy nhiều năm về sau.


Nói cho đúng thì tôi không bảo rằng tính cách của một người có thể giải thích hoàn toàn bằng cách nhìn vào sách người đó đọc thời thơ ấu nhé. Nhưng thường thì ta có thể, cẩn trọng thôi, học được vài điều về tính cách một người khi phân tích những cuốn sách họ yêu thích hồi nhỏ. Cẩn trọng hơn nữa, ta cũng có thể mở rộng phân tích này để trả lời câu hỏi: Làm sao để một cuốn sách lọt vào và ở lại trong danh sách bestseller? Điều gì làm hàng nghìn người yêu một cuốn sách đến độ khởi xướng cái quá trình kỳ diệu gọi là hiệu ứng truyền miệng ấy, đẩy một cuốn sách vào danh sách và giữ nó ở đó? Có lẽ đó là cuốn sách chạm vào cảnh quan tâm hồn của hàng đám trong số công chúng Mỹ.


Tôi không có con số để chứng minh, nhưng tôi đoán rằng truyện thiếu nhi được yêu thích nhất trên thế giới là Cô bé Lọ Lem. Những bản chuyển thể và kể lại của câu chuyện này ở khắp mọi nơi: nếu tôi gắng liệt kê các phim và truyện chuyển thể chỉ trong thập kỷ trước thôi, có khi tôi cũng làm hỏng cả internet ấy chứ. Mỗi nền văn hoá, từ Ai Cập cổ đại và Trung Hoa cho đến nước Pháp thế kỷ 18, hầu như đều có cô bé Lọ Lem của riêng mình.


Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Câu chuyện của cô bé Lọ Lem về cơ bản là câu chuyện của một đứa trẻ không được bạn bè hay cha mẹ chú ý và coi trọng. Hình tượng cha mẹ “thật” của cô bé (bà tiên đỡ đầu trong bản Pháp; hay linh hồn của người mẹ đã khuất trong bản của anh em Grimm) xuất hiện và giúp cô giải phóng giá trị tiềm tàng, chứng minh rằng những kẻ chê bai đã sai và để cô vươn tới những đỉnh cao mà cô xứng đáng có được.


Hầu hết trẻ em đều thỉnh thoảng cảm thấy không được coi trọng. Nhiều em cảm thấy bơ vơ và không được quan tâm. Và rất nhiều em tin rằng, chỉ cần mọi người thấy mình rõ hơn, hay chỉ cần có một cơ hội, các em có thể chứng tỏ rằng mình giá trị hơn, xinh đẹp hơn, tài năng hơn, hay mạnh mẽ hơn bất cứ ai từng nghĩ. Tất cả mọi người, vào một thời điểm nào đó, đều từng cảm thấy giống như cô bé Lọ Lem. Và nhiều người vẫn luôn luôn cảm thấy giống như cô bé Lọ Lem.


Vậy là một số người, chủ yếu là các bé gái (nhờ vào cách câu chuyện thường được kể theo kiểu con gái), sẽ nhận Cô bé Lọ Lem là câu chuyện yêu thích của mình. Nhưng nhiều người thì không. Thay vào đó, họ sẽ nhắc tới Harry Potter, hay Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars), hay một câu chuyện nào đó trong số hàng tá và hàng tá những chuyện Lọ Lem đang thống trị danh sách sách bán chạy và phòng vé ngoài rạp phim.


Thử nhìn vào Harry, trong cuốn Harry Potter và hòn đá phù thuỷ (1997) của J.K. Rowling. Ta đã biết từ đầu rằng cậu là “đứa bé sống sót”, đứa trẻ đã sống sót qua cuộc tấn công bằng pháp thuật hắc ám nhất của phù thuỷ hắc ám vĩ đại nhất thế giới và bằng cách nào đó, ngay khi chỉ là một đứa bé sơ sinh, đã đánh bại hắn. Vậy đây là một cậu bé đặc biệt. Rất đặc biệt. Nhưng chẳng ai biết, bởi vì cậu đang được dì dượng thiếu hiểu biết của mình nuôi dưỡng, bên cạnh đứa con đần độn của họ (liên tưởng tới dì ghẻ và chị ghẻ của Lọ Lem chưa?). Nhưng sớm thôi, sẽ có người đến cứu cậu, đưa cậu đến nơi mà cậu thuộc về - Trường Đào tạo Pháp thuật và Ma thuật Hogwarts.


Có một đoạn văn tuyệt vời ở đây, khi mà người lai khổng lồ Hagrid, người mang sứ mệnh giải cứu Harry khỏi dì Petunia và dượng Vernon Dursley khủng khiếp của cậu, giảng giải cho Harry về chính cậu:


Lão Hagrid quát bộ mặt vào ông bà Dursley:


- Bộ ông tính nói với tôi là đứa bé này – đứa bé này đây! – không biết chút gì về mọi chuyện, phải không?


Harry nghĩ là chắc có sự hiểu lầm. Nó có được đi học chứ, và điểm số của nó ở trường không đến nỗi dở. Nó bèn nói:


- Con có biết chút đỉnh chứ. Con biết làm toán và mấy môn thường thức khác.


Nhưng lão Hagrid chỉ phẩy tay nói:


- Biết về thế giới của chúng ta kìa. Ý ta nói là thế giới của con, thế giới của ta, thế giới của cha mẹ con.


- Thế giới nào?


Lão Hagrid có vẻ như sắp nổ tung ra. Và lão nổ:


- DURSLEY!


Ông Dursley vốn đã tái mét, giờ lại lắp bắp cái gì mà nghe như “quạp quạp quẹo quẹo”. Lão Hagrid trợn mắt nhìn Harry chằm chằm. Lão nói:


- Đáng lẽ con phải biết về cha mẹ của con. Ý ta nói họ rất nổi tiếng. Con cũng nổi tiếng.


- Dạ sao ạ? Con… ba con, má con đâu có nổi tiếng gì đâu?


Lão Hagrid lùa bàn tay vo đám tóc dầy rậm gãi sột soạt, còn đôi mắt lão thì dán chặt vô gương mặt cậu bé.


- Con không biết… vậy ra con không biết, không hề biết con là gì sao?


Đột nhiên ông Dursley tìm lại được tiếng nói của mình. Ông ra lệnh:


- Dừng lại! Dừng lại tại đây, thưa ngài. Tôi cấm ngài nói cho đứa bé biết đến điều gì.


Lão Hagrid quắt mắt nhìn ông Dursley giận dữ. Cho dù một người khác dũng cảm hơn ông Dursley nhiều lần cũng phải co rúm lại trước cái nhìn như vậy. Khi lão Hagrid thốt ra lời thì tiếng nói của lão đã run lên vì cơn cuồng nộ.


- Thì ra ông chưa hề nói với nó? Chưa hề cho nó biết nội dung lá thư mà cụ Dumbledore để lại cho nó? Lúc đó có ta mà! Ta thấy rõ ràng cụ Dumbledore để lại lá thư mà, ông Dursley! Vậy là bao năm nay ông bưng bít đứa nhỏ?


Harry nôn nóng hỏi:


- Bưng bít con cái gì?


Ông Dursley nổi điên lên hét:


- CHẤM DỨT! TA CẤM MI!


Bà Dursley há hốc miệng thở hổn hển vì sợ. Lão Hagrid lạnh lùng nói:


- Chà, cả hai ông bà trụng đầu mình vô nước sôi đi. Harry, con là một phù thủy.


(Harry Potter và hòn đá phù thuỷ - tác giả J.K. Rowling, dịch giả Lý Lan, NXB Trẻ)


Khi lần đầu đọc đoạn này, tôi đang dạy kèm cho một cậu bé lớp 3 ở East Harlem, cố gắng giúp cậu hứng thú với sách. Harry Potter lúc ấy chưa phải một hiện tượng, ít nhất là ở Mỹ. Tôi lấy nó từ giá sách và đọc cho cậu bé nghe chương đầu tiên. Cậu chẳng quan tâm. Nhưng sau khi cậu về, tôi tiếp tục đọc, và khi đọc đến đây, tôi đã khóc. Nước mắt giàn giụa trên mặt tôi trong cái thư viện nhỏ của chương trình dạy kèm East Harlem ấy.


Đoạn văn ấy vẫn làm tôi khóc. Đó là Rowling ở đỉnh cao, xác nhận lời hứa hẹn về câu chuyện Lọ Lem, xác nhận sự vĩ đại không được nhìn nhận (nhưng có dấu ấn trong tiềm thức) của đứa trẻ. Rowling là một thiên tài, và sách của bà một ngày sẽ nằm trong mục “bán chạy vĩnh viễn” cùng với Kinh thánh, bởi vì bà kể chuyện Lọ Lem quá giỏi.


Trong nhà Dursley, Harry bị đè nén bởi sự độc ác của dì, dượng và anh họ, cũng như Lọ Lem bị đè nén bởi sự độc ác của dì ghẻ và chị ghẻ. Nhưng trong một tác phẩm chuyển thể xuất sắc từ Cô bé Lọ Lem, Harry cũng bị đè nén bởi sự bình thường của gia đình Dursley. Harry Potter và hòn đá phù thuỷ mở đầu với câu: “Ông bà Dursley, nhà số 4 đường Privet Drive, tự hào mà nói họ hoàn toàn bình thường, cám ơn bà con quan tâm.” Sự tận tâm sống chết với tất cả những gì bình thường và chuẩn mực làm họ ghét Harry vô cùng. Harry không thể tuân theo cái bình thường bởi vì cậu đặc biệt - sức mạnh pháp thuật của cậu cứ thể hiện ra bên ngoài, dù cậu không cố ý và thậm chí chẳng nhận biết được, khiến cho Vernon và Petunia phát điên, và khiến họ phạt cậu bằng những phương pháp ngày càng quá quắt.


Người ta ghét bỏ những thất bại trong việc tuân theo chuẩn mực. Người ta cũng ghét bỏ sự đặc biệt. Thất bại trong việc tuân theo chuẩn mực và sự đặc biệt trở thành một. Đây là biến thể kỳ diệu của Harry Potter trong thế giới hiện đại. Khi bạn gặp một người lớn yêu thích Harry Potter, một người kể với bạn đầy tự hào rằng mình thuộc nhà nào, rất có thể bạn đang nói chuyện với một người cảm thấy bị đè nén bởi chuẩn mực cuộc sống và có những huyễn tưởng Lọ Lem, nhưng không phải là biến đổi từ một đứa trẻ bị bỏ rơi thành một nàng công chúa, mà là biến đổi từ một kẻ ngoài lề xã hội thành một phù thuỷ. Đây chính là sức hấp dẫn tâm lý của Harry Potter.


Phần khác của sức hấp dẫn đến từ vai trò của phụ huynh. Trong nhiều phiên bản Lọ Lem, bà tiên đỡ đầu tặng cô đồ dạ tiệc. Trong phiên bản của anh em nhà Grimm, người giúp đỡ cô là linh hồn của mẹ ruột, nhập vào một cái cây mọc từ nấm mộ của bà. Trong cả hai trường hợp, có một hình tượng phụ huynh trên bề mặt (dì ghẻ), người không thấy giá trị thực của đứa trẻ, và một hình tượng phụ huynh “thật”, người nhận ra giá trị đó. Hình tượng phụ huynh trên bề mặt trong trường hợp Harry, rất rõ ràng là dì dượng Dursley.


Harry cũng có nhiều hình tượng phụ huynh “thật” trong suốt bộ truyện, từ người mẹ nghiêm nghị là giáo sư McGonagall cho đến người cha truyền cảm hứng nhưng xa cách, giáo sư Dumbledore. Nhưng nhiều phần trong sự thoả mãn cảm xúc cao nhất của người đọc đến từ cảnh cha mẹ thật của Harry hiện hồn về, như mẹ của Cinderella: để bảo vệ con mình, để lộ ra những món quà mà họ đã tặng Harry từ lâu, hay cảm động nhất, để tự hào về Harry. Bộ truyện Harry Potter không phải chỉ dành cho những kẻ ngoài lề xã hội, mà dành cho bất cứ ai khao khát sự công nhận và tình yêu thương của các bậc cha mẹ.


Những câu chuyện Lọ Lem có sức hấp dẫn với mọi người ở mọi lứa tuổi. Nhưng càng lớn thì ta càng cần nhiều kiểu câu chuyện hơn. Để đối mặt với những kiểu áp lực tâm lý mới, ta tha thiết cần những dạng câu chuyện mới. Nhìn vào danh sách bestseller trong 5 năm vừa qua, ta nhận ra rằng thanh thiếu niên, những người đọc thể loại Young Adults, đang ngấu nghiến những tác phẩm dystopian. Bộ truyện Những kẻ bất khả trị (Divergent, 2011-13) của Veronica Roth cạnh tranh với bộ Giải mã mê cung (Maze Runner, 2009-16) của James Dashner ở vị trí dẫn đầu một danh sách đã từng tôn vinh The 5th Wave (2013-16), Legend (2011-13) và những tác phẩm khác soán ngôi của chúng theo từng đợt. Nhưng dù đầu sách nào đứng đầu bảng xếp hạng tuần này thì những huyễn tưởng về một thế giới tương lai tồi tệ vẫn thống trị danh sách bestseller.


Ở một mức độ nào đó, tiểu thuyết dystopian đã đạt được thành công trong quá nửa thế kỷ vừa qua. Có lẽ cuốn sách thuộc thể loại này được đọc rộng rãi nhất và yêu thích nhất là 1984 (1949) của George Orwell. Aldous Huxley dự đoán về tương lai chính xác hơn trong Brave New World (1932) - một thế giới mà trong đó cấu trúc kiểm soát toàn trị trở nên không cần thiết nữa do nhân dân mong muốn sử dụng biện pháp tự an thần (Huxley dự đoán một loại thuốc tên “soma”; hoá ra đó chính là YouTube của chúng ta). Nhưng Orwell đã quyến rũ và truyền cảm hứng cho hàng triệu người, ngay cả sau sự sụp đổ của Liên Xô, kẻ ác trong tác phẩm của ông. Những ý tưởng của ông đã thâm nhập vào ngôn ngữ. “Orwellian” trở thành đồng nghĩa với chế độ độc tài toàn trị dystopian. Tôi đã hai lần chứng kiến 1984 phát huy tác dụng trên một lớp học sinh trung học: trước hết là với tư cách một học sinh và sau đó là với tư cách thầy giáo. Tác dụng của nó vượt trên mức phê phán xã hội. Nó đánh vào tâm lý của bạn.


Bạn có thể thấy ngay tại sao. 1984 là câu chuyện của một người đàn ông, Winston, người bị bó buộc mọi phía bởi quyền lực toàn trị. Cuộc sống của anh bị theo dõi và chế ngự. Suy nghĩ của anh bị theo dõi và chế ngự. Chế độ thống trị ra sức dạy anh phải thay thế ngôn ngữ đã nuôi lớn anh và dòng văn học anh yêu thích bằng một loại ngôn ngữ họ tạo ra để khống chế anh. Có đứa nhóc mới lớn nào mà không cảm thấy như thế? Cha mẹ theo dõi và chế ngự cuộc sống của chúng. Bạn bè theo dõi và chế ngự suy nghĩ của chúng. Thầy cô giáo cố sức thay thế ngôn ngữ tuổi trẻ của chúng bằng thứ ngôn ngữ “phù hợp” và “có giáo dục” tuân theo những quy tắc mà chỉ tổ làm tăng vị thế cho những nhà giáo ấy thôi.


Sự nổi loạn của Winston rất riêng tư và hướng nội - cố gắng trốn khỏi màn hình theo dõi để viết nhật ký bí mật, như một cô bé tuổi mới lớn chụp headphones vào tai và bật nhạc ầm ầm sau cánh cửa phòng ngủ khoá kín. Đó là cho đến khi Winston bắt đầu chuyện yêu đương với Julia. Chỉ có nhờ mối tình này mà nổi loạn mới thật sự là nổi loạn. Quả là một câu chuyện tuổi mới lớn! Chỉ khi có bạn trai/bạn gái thì sự độc lập thật sự mới bắt đầu. 1984 là một tiểu thuyết tuổi mới lớn thành công không phải vì thông điệp chính trị của nó, mà bởi nó kịch hoá sự vật lộn tâm lý bên trong của quá trình lớn lên.


Điều khiến 1984 bất tử chính là nó kết thúc với một cái nhìn thực tế về sự vô nghĩa của những nổi loạn tuổi mới lớn. Thiếu niên nào cũng trở thành người lớn, tham gia vào bộ máy, và yêu Big Brother. Các thiếu niên ghét sự thật này - rất nhiều thiếu niên ghét cái kết - nhưng điều này sẽ còn ở lại với chúng, bởi chúng biết nó rất thật. Trong tiểu thuyết anh em với 1984, Trại súc vật (Animal Farm, 1945), những con vật mà trong chúng ta nhìn thấy bản thân mình cuối cùng đã bị phản bội: những con lợn đứng như chủ nhân con người trước kia của chúng trong căn nhà của chủ nhân. Nhưng trong 1984, người đầu hàng ở kết thúc lại chính là Winston. Anh ta yêu Big Brother, vì Big Brother, hay chính là xã hội người lớn, đã biến đổi ngôn ngữ, quyền lực và suy nghĩ để tiếp tục duy trì hệ thống của nó. Được sinh ra trong xã hội này là đã thua cuộc rồi.


Thật chán nản, có lẽ là cay đắng nữa - nhưng tuổi mới lớn nhìn thấy cuộc sống của chính mình trên những trang tiểu thuyết '1984'.


Đọc một tiểu thuyết dystopian với cái kết hạnh phúc thì tất nhiên là vui hơn. Nhưng cuốn tiểu thuyết bạn truyền lại cho con cái sẽ lại là cuốn đầu tiên đã dạy cho bạn sự thật.


Khi một đứa trẻ đòi cùng cuốn sách đó ba trăm lần, nó đang nói với cha mẹ mình những điều nó cần học hỏi, những điều nó cần biết cách chấp nhận. Người lớn cũng vậy. Sách là những nhà tâm lý, dùng phương pháp trị liệu bằng trí tưởng tượng để gợi ra những bí mật mà người đọc còn không biết là mình có. Một đứa trẻ không nhận ra mình để lộ điều gì khi đặt tên con búp bê này là “mẹ”, con kia là “bố”, và cho hai con gào vào mặt nhau. Chúng ta cũng không nhận ra mình để lộ điều gì khi nhét một cuốn sách vào tay ba người bạn. Có thể là danh sách sách bán chạy, bỏ qua những thứ đọc giải trí qua đường, là bức tranh về nội tâm xã hội. Nó có thể đang nói cho ta biết ta cần học hỏi gì, ta cần biết chấp nhận gì. Và có điều này tôi biết chắc chắn hơn: Tôi mong rằng con gái tôi không thích Hạt cà rốt như tôi từng thích.


39 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page